Loading...
Góc tư vấn

Bác sĩ nội khoa làm những công việc như thế nào?

Các bạn đã quá quen thuộc với những tên gọi như: bác sĩ nội khoa, bác sĩ nhi khoa, bác sĩ sản khoa,… Tuy nhiên bác sĩ nội khoa là gì? Bác sĩ nội khoa sẽ làm những công việc như thế nào?

Bài viết này sẽ giới thiệu cho các bạn định nghĩa cũng như công việc của các bác sĩ nội khoa? Từ đó các bạn sinh viên y dược sẽ có một cái nhìn bao quát cho lựa chọn định hướng sau này.

Nội khoa là gì?

Trong y khoa chia làm 4 ngành chính: Nội-Ngoại-Sản-Nhi.

Cũng như tên gọi của nó:

  • Sản là khoa liên quan đến sinh sản và các bệnh trước, trong và sau sinh sản.
  • Nhi là khoa điều trị các bệnh với đối tượng bệnh nhân dưới 18 tuổi.
  • Ngoại là khoa sẽ điều trị các bệnh có yêu cầu phẫu thuật, tiểu phẫu,…
  • Nội khoa là ngành điều trị các bệnh bên trong cơ thể bằng thuốc là phương pháp chính.

Thế nào là bác sĩ nội khoa?

Bác sĩ nội khoa là những bác sĩ đã tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại các trường đại học y dược và đã có chứng chỉ hành nghề nội khoa. Đã đang và sẽ làm việc tại khoa nội hoặc các bệnh viện chuyên về nội khoa.

Công việc chính của bác sĩ nội khoa là gì?

Công việc chính của bác sĩ nội khoa là: thăm khám, chẩn đoán, điều trị và tiên lượng các bệnh nội khoa.

 Công việc của bác sĩ nội khoa là gì?
Công việc của bác sĩ nội khoa là gì?

Các bệnh nội khoa sẽ được chia nhỏ thành các khoa:

  • Thần kinh
  • Tiêu hoá
  • Tim mạch
  • Hô hấp
  • Tiết niệu
  • Cơ-xương-khớp
  • Huyết học

Tùy theo từng cơ sở y tế mà các khoa sẽ được chia khác nhau.

Để có thể tiến hành chẩn đoán bệnh một cách chính xác, các bác sĩ nội khoa sẽ tiến hành hỏi tiền sử bệnh, diễn biến bệnh và thăm khám lâm sàng. Sau khi đã thăm khám toàn thân và bộ phận bị bệnh, bác sĩ nội khoa sẽ ra chỉ định cận lâm sàng và từ đó kết hợp để chẩn đoán bệnh.

Đồng thời, các bác sĩ nội khoa còn kết hợp với các bác sĩ chuyên khoa khác hội chẩn và đưa ra phương án điều trị tốt nhất các bệnh nhân. Không chỉ vậy, các bác sĩ nội khoa cũng tiến hành khám lâm sàng cho các bệnh nhân có các triệu chứng bất thường mà không rõ nguyên nhân.

Quá trình thăm khám nội khoa diễn ra như thế nào?

Như đã nói ở trên, bác sĩ nội khoa sẽ tiến hành thăm khám để từ đó chẩn đoán bệnh.

Các bước thăm khám nội khoa
Các bước thăm khám nội khoa

Quá trình thăm khám nội khoa sẽ diễn ra theo trình tự như sau:

  1. Hỏi.

Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi quá trình bệnh sử của bệnh nhân để có cái nhìn bao quát về diễn biến của bệnh.

Sau đó hỏi tiền sử bản thân bệnh nhân cũng như người thân trong gia đình và yếu tố xung quanh để có thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến bệnh. Vì trong nội khoa có nhiều mặt bệnh có yếu tố di truyền hoặc có yếu tố vùng miền gây nên.

  1. Nhìn.

Bác sĩ sẽ nhìn để đánh giá toàn trạng bệnh nhân, thể trạng bệnh nhân béo, gầy hay cân đối.

Nhìn sắc mặt, màu da xem bệnh nhân có vàng da hay nhợt nhạt do thiếu máu hay không để loại trừ ban đầu các bệnh về gan hoặc về máu.

Khi thăm khám từng bộ phận bác sĩ cũng sẽ quan sát từng phần để đánh giá:

  • Tim mạch: nhìn mỏm tim đập, nhìn lồng ngực
  • Tiêu hoá: quan sát có tuần hoàn bàng hệ, quai ruột nổi,…
  • Quan sát trên cơ thể bệnh nhân có ban, nốt xuất huyết hay không, có sẹo mổ cũ hay không,…
  1. Sờ.

Sau khi đã quan sát toàn thân và từng bộ phận bác sĩ sẽ tiến hành sờ để thăm khám. Tùy từng cơ quan bị bệnh mà sẽ có các nghiệm pháp sờ khác nhau:

  • Bệnh về máu: làm nghiệm pháp ấn kính kiểm tra xuất huyết, làm nghiệm pháp dây thắt,..
  • Bệnh về tim mạch: sờ mỏm tim, sờ kiểm tra rung miu,…
  • Bệnh về tiêu hoá: kiểm tra quai ruột có căng trướng, hoặc kiểm tra có trướng bụng, dấu hiệu cục đá nổi ở các tạng trong ổ bụng,…
  • Bệnh về khớp: sờ kiểm tra có tràn dịch ổ khớp, có đâu hiệu ngăn kéo khi đứt các dây chằng khớp gối,…
  1. Gõ.

Đây cũng là một trong những bước thăm khám quan trọng của bác sĩ nội khoa. Tuỳ vào từng cơ quan bị bệnh mà sẽ gõ ở các vị trí khác nhau:

  • Gõ kiểm tra điện tim xem tim có to hay nhỏ bất thường không.
  • Gõ diện đục của gan, lách kiểm tra kích thước, vị trí.
  • Gõ ổ bụng kiểm tra trướng bụng hay ứ dịch không.
  1. Nghe.

Đây có lẽ là bước đã rất quen thuộc với các bệnh nhân. Bác sĩ nội khoa sẽ sử dụng ống nghe chuyên dụng để tiến hành nghe tim, phổi, ruột để kiểm tra những tiếng bất thường ở các cơ quan:

  • Tim: nghe tiếng tim, tần số tim, nghe các tiếng tim bất thường như tiếng thổi tâm thu, thổi tâm thu,…
  • Phổi: nghe thông khí phổi 2 bên, phát hiện các tiếng rales ở phổi như rale ẩm, rale nổ,…
  • Ruột: kiểm tra nhu động ruột.

Chẩn đoán nội khoa.

Sau khi đã thăm khám lâm sàng, nếu còn nghi ngờ hay cần loại trừ các bệnh có triệu chứng tương tự nhau, bác sĩ nội khoa sẽ ra các chỉ thị làm xét nghiệm hoặc kiểm tra cận lâm sàng như: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, x-quang tim phổi, siêu âm ổ bụng,…để kiểm tra thêm 

Bác sĩ sẽ kết hợp giữa bệnh sử, tiền sử, thăm khám lâm sàng và kiểm tra cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán.

Nếu vẫn còn nghi ngờ, bác sĩ có thể yêu cầu hội chẩn thêm các chuyên khoa khác để đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất và không bỏ sót các bệnh kèm theo.

Trên thực tế, các bệnh nhân mắc bệnh nội khoa không chỉ có một bệnh đơn độc mà sẽ kết hợp nhiều bệnh khác nhau. Vì vậy đòi hỏi các bác sĩ nội khoa phải có nhiều kinh nghiệm, kiến thức và làm các kiểm tra khác để không bỏ sót các bệnh liên quan.

Phương pháp điều trị nội khoa.

Như đã giới thiệu ở trên, nội khoa chủ yếu tập trung điều trị bằng thuốc. Tuỳ từng mặt bệnh khác nhau mà điều trị theo thuốc cũng như phác đồ khác nhau. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng dùng thuốc tương tự và giống theo phác đồ. Việc của bác sĩ nội khoa là lựa chọn thuốc và điều chỉnh liều lượng sao cho phù hợp với từng bệnh nhân và các bệnh kèm theo. Bác sĩ phải theo dõi tiến triển của bệnh và điều chỉnh thuốc sao cho phù hợp.

Đối với bệnh nhân có nhiều bệnh nền kết hợp, bác sĩ phải liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa khác giúp kết hợp điều trị, tránh tình trạng điều trị một bệnh hiện tại mà bỏ sót các bệnh kèm theo. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, điều trị nội khoa cũng cần can thiệp bằng phẫu thuật. Khi đó các bác nội khoa sẽ liên hệ với các bác sĩ ngoại khoa có liên quan như phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật tiêu hoá để đưa ra phương pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân .

Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị nội khoa cũng đa dạng hơn mà không chỉ dừng lại ở điều trị bằng thuốc chẳng hạn như các phương pháp: chụp mạch vành, đốt polyp, đặt catheter mạch máu…

Không chỉ điều trị bệnh nhân tại viện, bác sĩ nội khoa còn phải kê thuốc điều trị tại nhà cho các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính cần dùng thuốc duy trì như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ,… và phải đặt lịch tái khám cho bệnh nhân.

Bài viết trên đã giới thiệu cũng như giải thích những công việc của các bác sĩ nội khoa. Hi vọng qua bài viết này, các bạn sẽ hiểu cũng như yêu thích chuyên ngành nội khoa. Các bạn sinh viên y dược nếu đang tìm hiểu và có mong muốn theo đuổi ngành nội khoa này, thông qua bài viết sẽ thêm yêu thích và quyết tâm theo đuổi nó.

Tư vấn sản phẩm
Quý khách vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ ngay!
Call Zalo Messenger
DMCA.com Protection Status DMCA.com Protection Status