Loading...
Góc tư vấn

7 bí quyết giúp học lâm sàng hiệu quả cao nhất

Những buổi học và trực lâm sàng là những thứ không thể thiếu đối với quãng đời trên giảng đường của mỗi sinh viên trường Y dược. Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên chưa biết cách tận dụng cũng như có phương pháp học lâm sáng sao cho hiệu quả nhất mà vẫn đang để lãng phí nó. Bài viết hôm nay sẽ chia sẻ cho các bạn những kinh nghiệm giúp học lâm sàng đạt được hiệu quả cao trong 6 năm học y.

Học lâm sàng là gì?

Trong y học, không chỉ có học trong giáo trình, mà một phương pháp học không thể thiếu đó chính là học lâm sàng.

Lâm sàng trong y học hay còn gọi là y học lâm sàng là hình thức y học phổ biến, là cách thức thể hiện trách nhiệm của bác sĩ lâm sàng đối với mỗi bệnh nhân thông qua hai nhiệm vụ chính đó là: hiểu rõ được các vấn đề sức khỏe của bệnh nhân để đưa ra chẩn đoán chính xác và từ đó đề ra phương pháp điều trị và điều trị thành công. Chính vì vậy, hiểu biết về y học lâm sàng có một vai trò quan trọng trong việc thăm khám, chữa trị sức khỏe nói chung.


Nếu phân tích từng chữ trong "lâm sàng" thì “lâm” nghĩa là đến gần ai đó, vào một hoàn cảnh nào đó: như lâm nguy (gặp nguy hiểm), lâm bồn (thai phụ sắp sinh), lâm bệnh, lâm chung (sắp lìa đời). “Sàng” có nghĩa là cái giường, ở đây ý chỉ giường của người bệnh.

Nói chung, khi học lâm sàng, các sinh viên, y bác sĩ sẽ phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, thăm khám và đưa ra chẩn đoán để điều trị bệnh.

Bí quyết giúp học lâm sàng đạt hiệu quả cao.

Việc học lâm sàng là rất quan trọng đối với sinh viên y khoa. Chính vì vậy mỗi sinh viên cần có những kinh nghiệm và kiến thức nhất định giúp việc học lâm sàng trở nên hiệu quả hơn.

7 bí quyết giúp học lâm sàng đạt hiệu quả cao.
7 bí quyết giúp học lâm sàng đạt hiệu quả cao.
  1. Lập kế hoạch cụ thể.

Việc lập ra kế hoạch cụ thể kèm theo đề ra mục tiêu học tập cần đạt được khi đi thực tập lâm sàng là vô cùng quan trọng. Vì y học rất rộng lớn nên với sinh viên y khoa không nên ôm đồm học quá nhiều kiến thức trong thời gian ngắn. Thay vào đó hãy bám sát vào mục tiêu học tập cần đạt được của từng năm học để từ đó thu nạp các kiến thức phù hợp.

Giả sử như: Y3 quan trọng rèn luyện kỹ năng hỏi bệnh, thăm khám bệnh đúng cách, từ thăm khám đưa về được những triệu chứng, hội chứng cụ thể. Đến năm Y4 từ những triệu chứng, hội chứng cần đưa ra các cận lâm sàng cần thiết để từ đó biện luận chẩn đoán các bệnh và chẩn đoán phân biệt. Đối với Y5-Y6 từ chẩn đoán cần đề ra được hướng điều trị, phương pháp điều trị cụ thể và phòng tái phát cho bệnh nhân.

Kế hoạch cụ thể cần được đề ra ngay từ những ngày đầu đi lâm sàng. Sinh viên có thể đặt ra chỉ tiêu đi lâm sáng cho từng ngày, mỗi ngày thăm khám bao nhiêu bệnh nhân, thăm khám mặt bệnh gì, để từ đó theo dõi được kế hoạch bản thân đặt ra đã thực hiện được hay chưa. Khi đã hoàn thành được danh sách các kế hoạch và mục tiêu được đề ra thì mới đạt yêu cầu.

Một số bộ môn cũng rất quan tâm đến việc lập kế hoạch học tập cho sinh viên bằng cách đề ra cuốn sổ chỉ tiêu lâm sàng, trong quá trình thực tập lâm sàng bắt buộc sinh viên phải thực hiện đủ bao nhiêu trường hợp thăm hỏi bệnh, bao nhiêu trường hợp khám và nghiệm pháp, thủ thuật, phụ mổ, …

Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là thái độ học tập và sự tự giác của từng sinh viên quyết định việc thực hiện mục tiêu học tập có hiệu quả hay không.

  1. Nắm chắc kiến thức cơ bản.

Sinh viên không thể đi khám bệnh nhân với cái đầu trống rỗng được. Việc thăm khám bệnh nhân mà không có kiến thức trong đầu vừa gây khó khăn trong thăm khám lại vừa gây mất thiện cảm của bệnh nhân đối với sinh viên và từ sau bệnh nhân sẽ rất dè dặt trong việc cho chúng ta thăm khám và hỏi bệnh. Chính vì vậy việc nắm chắc kiến thức cơ bản là rất quan trọng. 

Để nắm chắc kiến thức cơ bản cũng không quá khó khăn. Sau mỗi buổi học trên giảng đường, sinh viên cần chú tâm nghe giảng và khi về ôn lại kiến thức sẽ giúp hiểu bài nhanh và tiết kiệm rất nhiều thời gian ôn bài. Không chỉ tự học, chúng ta còn có thể học thành nhóm lâm sàng nhỏ. Mỗi người có trách nhiệm đọc một bệnh, sau đó tuyết trình lại và khám một bệnh mẫu cho các bạn khác học tập. Việc tự học và thuyết trình lại sẽ giúp chúng ta tiếp thu kiến thức tăng 30% so với việc chỉ nghe giảng thông thường. Lúc đó sẽ giảm được áp lực tự đọc sách ở nhà vừa tăng hiệu quả làm việc nhóm và lợi ích cuối cùng đạt được là cả nhóm sẽ học được nhiều kiến thức bổ ích hơn.

Những cuốn sách bổ sung kiến thức cần thiết cho sinh viên y khoa có thể kể đến như:

  • Giải phẫu người.
  • Sinh lý bệnh
  • Sách bệnh học cơ bản: Nội khoa, Ngoại khoa, Sản khoa, Nhi khoa.
>>> Xem ngay: Top 5 cuốn sách cho sinh viên y khoa không nên bỏ lỡ
 
  1. Đi lâm sàng đúng giờ.

Việc đi lâm sáng sớm tưởng chừng như chỉ để đánh giá đến ý thức sinh viên nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đi lâm sàng.

Các khoa phòng ở các bệnh viện thường giao ban hằng ngày lúc 7h và bác sĩ sẽ bắt đầu đi buồng lúc 7h30. Nếu bạn đến trước 7h30 và được đi buồng với bác sĩ điều trị là khoảng thời gian bạn sẽ học được rất nhiều thứ.

Nếu nói lâm sàng khác xa lý thuyết, thì khoảng thời gian đi buồng cùng bác sĩ chính là lúc bạn học hỏi được những kiến thức lâm sàng khác biệt đó. Bạn sẽ trả lời được câu hỏi: Tại sao bệnh nhân bị bệnh giống nhau lại dùng thuốc khác nhau? Tại sao bệnh nhân có những bệnh giống nhau lại có triệu chứng khác nhau?…

Đặc biệt nếu bạn đến sớm có thể mượn được hồ sơ bệnh án cũng những bệnh nhân bạn đang quan tâm, muốn tìm hiểu, những xét nghiệm cận lâm sàng và film X-quang, CT-Scanner,…mà bác sĩ hay điều dưỡng chưa cần dùng đến.

Một điều bạn sẽ nhận ra khi đi lâm sáng sớm đó là, khi bệnh nhân trả lời những câu hỏi của bác sĩ sẽ rất khác khi họ trả lời cho sinh viên. Nếu bạn đi buồng với bác sĩ bạn sẽ được nhận những thông tin chính xác nhất, đầy đủ nhất từ bệnh nhân mà nếu như đi muộn bạn sẽ không thể nào biết được.

  1. Theo học hỏi những bác sĩ giỏi.

Muốn học lâm sáng tốt cần tìm được một người thầy tốt.

Việc theo học được bác sĩ giỏi, bạn sẽ được học rất nhiều kiến thức bổ ích mà họ đúc kết được và truyền đạt lại. Bạn sẽ được hướng dẫn thăm khám, là thủ thuật và tham gia quá trình điều trị bệnh nhân. Đó là những yếu tố vô cùng quan trọng giúp việc học lâm sàng đạt hiệu quả tối đa.

Tuy nhiên để được theo học một bác sĩ không phải là điều dễ dàng. Bạn phải có kiến thức vững vàng, phải có thái độ nghiêm túc với việc học tập, tôn trọng bác sĩ và khoa phòng để từ đó bác sĩ chấp nhận và cho bạn theo học.

  1. Trực thêm.

Nói rằng: Đi trực là khoảng thời gian vàng để học tập là vô cùng chính xác.

Nếu như đi lâm sàng, bạn sẽ tiếp xúc với những bệnh nhân đã được điều trị ban đầu, các triệu chứng có thể đã thay đổi, giảm nhẹ. Thì đi trực, bạn sẽ được tiếp xúc với bệnh nhân mới vào viện, các triệu chứng bệnh còn rất điểm hình, học hỏi cách bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân ban đầu, xử trí bệnh nhân cấp cứu, điều trị bệnh nhân và điều chỉnh liều thuốc sao cho phù hợp. Những kiến thức trên thì chẳng buổi học lâm sáng nào bạn được tiếp cận.

Ngoài những buổi trực được phân công của bộ môn, bạn có thể đi trực thêm ở những khoa bạn mong muốn học hỏi và theo đuổi chuyên ngành liên quan. Tuy nhiên để việc đi trực thêm được dễ dàng và hiệu quả thì bạn nên theo một bác sĩ nào đó, đi trực cùng bác sĩ đó để được hướng dẫn và học hỏi, tránh việc đi trực không được làm gì, học gì.

Bạn đừng quá lo lắng, các bác sĩ sẽ rất vui vẻ tiếp nhận bạn cho đi trực cùng cho dù bạn chỉ là “lính mới” miễn là bạn có kiến thức nền vững và nghiêm túc, chăm chỉ học tập.

  1. Làm bệnh án cho khoa phòng.

Nhiều sinh viên y khoa cho rằng, làm bệnh án là không cần thiết. Tuy nhiên việc làm bệnh án tưởng như nhàm chán nhưng lại rất bổ ích.

Mỗi một bệnh nhân sẽ có những triệu chứng, tiền sử bệnh khác nhau. Muốn làm bệnh án bạn cần hỏi bệnh, thăm khám và đưa ra chẩn đoán để hoàn thành bệnh án.

Mỗi một bệnh án bạn không chỉ biết cách làm bệnh án sao cho đúng mà còn trau dồi thêm kỹ năng thăm khám lâm sàng, biện luận chẩn đoán của bản thân. Từ đó đưa ra được hướng điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân.

  1. Nâng cao kỹ năng giao tiếp.

Điều cuối cùng và cũng là quan trọng nhất trong 7 điều giúp bạn học lâm sàng hiệu quả đó là kỹ năng giao tiếp tốt. Bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt, thiện cảm của bệnh nhân nếu lần đầu gặp mặt bạn chào hỏi lễ phép và thân thiện. Từ đó việc hỏi bệnh và thăm khám cũng được cởi mở và dễ dàng hơn.

Không chỉ giao tiếp với người bệnh mà sinh viên còn phải giao tiếp với bác sĩ và bạn bè. Không một bác sĩ hay điều dưỡng nào lại tỏ ra khó chịu với một sinh viên ngoan ngoãn, lễ phép và hài hước đúng không?

Giao tiếp tốt cùng giúp quan hệ bạn bè cởi mở, thoải mái từ đó không ngại ngần chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm, kiến thức mà mình học được hay đúc kết được.

Giao tiếp tốt chính là chìa khóa của mọi mối quan hệ.

Bài viết trên đã giải thích thế nào là học lâm sàng và hướng dẫn 7 bí quyết giúp học lâm sàng hiệu quả cao nhất cho sinh viên y dược. Hi vọng qua bài viết, các bạn sinh viên y dược lựa chọn được phương pháp học lâm sàng phù hợp cho bản thân để đạt kết quả cao trong học tập và tương lai sẽ trở thành những bác sĩ giỏi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng tốt cho y học nước nhà.

Tư vấn sản phẩm
Quý khách vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ ngay!
Call Zalo Messenger
DMCA.com Protection Status DMCA.com Protection Status