Loading...
Góc tư vấn

Hội Chứng sợ vật nhọn – Aichmophobia - Dấu hiệu và cách khắc phục

Những Người mắc chứng sợ vật nhọn (tên khoa học là Aichmophobia) có một nỗi sợ, ám ảnh vô lý, dữ dội đối với các vật sắc nhọn như dao, kéo, bút bi,… Hội chứng này không chỉ gây cản trở các hoạt động thường ngày mà còn ảnh hưởng nhiều đến quá trình học tập, làm việc. Tương tự như các hội chứng ám ảnh sợ khác, hội chứng Aichmophobia có thể điều trị được sau khi trị liệu tâm lý.

Hội chứng sợ vật nhọn là gì?

Hội chứng sợ vật nhọn Aichmophobia – là một dạng của rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi với những vật sắc nhọn ví dụ như bút bi, dao, kéo, bút chì, đinh, ghim bấm,…

Không giống với những cảm giác sợ hãi thông thường, chứng ám ảnh sợ vật nhọn thường gây ra sự sợ hãi, ám ảnh tột độ và kéo dài ít nhất là 6 tháng. Cảm giác sợ hãi sẽ gây ra căng thẳng thần kinh và dẫn đến việc né tránh khi nhìn thấy hoặc tiếp xúc với những vật sắc nhọn.

Các vật sắc nhọn xuất hiện khá nhiều trong cuộc sống nên hội chứng Aichmophobia sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập và làm việc. Thậm chí, nhiều người còn có thể xảy ra một số vấn đề về tâm lý do việc căng thẳng, lo lắng và sợ hãi kéo dài.

Chứng sợ vật nhọn có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Trong đó, đa phần đều bắt đầu ở giai đoạn thanh thiếu niên hoặc đầu độ tuổi trưởng thành. Do đặc điểm về tính cách nên thường nữ giới sẽ có nguy cơ mắc chứng Aichmophobia cao hơn so với nam giới.

Dấu hiệu để nhận biết hội chứng sợ vật nhọn

Hội chứng sợ vật nhọn - Aichmophobia có dấu hiệu tương tự như các loại rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Tuy nhiên, về mức độ của các triệu chứng có thể khác nhau ở từng trường hợp.

Các dấu hiệu của hội chứng sợ vật nhọn:

  • Có cảm giác sợ hãi và bị ám ảnh các vật sắc nhọn như bút chì, bút bi, dao, kéo, ghim bấm, kim tiêm, hoặc bất cứ đồ vật gì có hình dáng nhọn.
  • Thường Cố gắng né tránh, không sử dụng những vật sắc nhọn ví dụ như không dùng bút để viết mà sẽ ghi chép bằng cách đánh máy hoặc dùng note bằng điện thoại; không sử dụng các dụng cụ như dao/ kéo để chế biến thức ăn mà sẽ dùng thực phẩm đã được chế biến sẵn,…

Khi tiếp xúc, nhìn thấy những vật sắc nhọn, bệnh nhân mắc chứng sợ vật nhọn Aichmophobia sẽ bị bùng phát cảm giác sợ hãi tột độ. Cảm giác này sẽ chi phối cảm xúc mạnh mẽ.

Các triệu chứng có thể gặp phải khi nhìn thấy hoặc tiếp xúc những vật sắc nhọn:

  • Cảm thấy sợ hãi dữ dội
  • Tim đập nhanh, loạn nhịp
  • Run Rẩy
  • Đau thắt ngực
  • Khó thở
  • Choáng váng, lâng lâng
  • Mong muốn được thoát ra khỏi hoàn cảnh có vật sắc nhọn
  • Một số người bị hoảng loạn và thậm chí là bị ngất xỉu khi nhìn thấy, tiếp xúc các vật sắc nhọn

Ngoài ra, hội chứng sợ vật nhọn cũng khiến người bệnh trở nên căng thẳng, dễ cáu kỉnh và mệt mỏi. Nếu không được điều trị, bệnh này có thể phát triển thành các rối loạn tâm lý, hay bệnh về tâm thần khác.

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ vật nhọn

Các chuyên gia chưa xác định được nguyên nhân gây ra hội chứng sợ vật sắc nhọn. Thông qua một vài nghiên cứu, các chuyên gia đã nhận thấy hội chứng sợ vật nhọn thường có liên quan đến những vấn đề sau:

  • Trải nghiệm tiêu cực: Những trải nghiệm mang tính tiêu cực có liên quan đến những vật sắc nhọn như từng bị tai nạn nghiêm trọng do bị dẫm phải dao, kéo hoặc bút bi là nguyên nhân để tạo ra nỗi ám ảnh các vật sắc nhọn. Trong những trường hợp này, nỗi sợ là phản ứng phòng vệ vô thức của con người được hình thành từ những tai nạn trong quá khứ.
  • Di truyền: Cũng như các vấn đề về tâm lý, hội chứng sợ vật sắc nhọn có khả năng di truyền trong các thành viên gia đình. Dù các nhà khoa học chưa xác định được cơ chế di truyền v nhưng các chuyên gia đã nhận thấy rằng nguy cơ mắc bệnh sợ vật sắc nhọn tăng lên nếu gia đình có tiền sử bị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi.
  • Bị rối loạn tâm lý ám ảnh cưỡng chế (OCD): Cảm giác sợ hãi và ám ảnh gây ra hội chứng về các vật nhọn có thể là biểu hiện của chứng ám ảnh cưỡng chế. Những người khi mắc chứng bệnh này có thể bị ám ảnh về việc vật sắc nhọn sẽ gây ra chảy máu, hoặc xây xước da và lây nhiễm bệnh. Từ đó tạo thành hành vi né tránh những vật sắc nhọn để có thể giảm thiểu nguy cơ tai nạn và nhiễm bệnh.

Chứng sợ vật nhọn có nguy hiểm không?


Chứng sợ vật nhọn có ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống. Việc né tránh các vật sắc nhọn khiến người bệnh gặp khó khăn trong học tập và làm việc. Đặc biệt vì né tránh việc sử dụng dao, kéo nên người bệnh sẽ không thể tự nấu ăn.

Ngoài ra, cảm giác sợ hãi, cũng như lo lắng khi nhìn thấy hoặc tiếp xúc với các vật sắc nhọn có thể khiến bệnh nhân bị stress, mất ngủ, gây ra đau nhức cơ thể, đau đầu và sẽ giảm trí nhớ. Đa số người bệnh mắc chứng sợ vật nhọn đều có những biểu hiện như căng thẳng, dễ cáu kỉnh và tức giận vì phải đối mặt với căng thẳng trong khoảng thời gian dài.

Các phương pháp để điều trị hội chứng sợ vật sắc nhọn

Theo thống kê của các chuyên gia, chỉ khoảng từ 10 % – 25% người mắc hội chứng sợ vật nhọn chủ động khám và điều trị ngay từ giai đoạn đầu của bệnh. Những trường hợp còn lại chỉ điều trị khi bệnh diễn biến kéo dài dẫn đến trầm cảm, và các bệnh tâm lý khác.

Nhiều người không hiểu được mức độ nghiêm trọng của bệnh hội chứng sợ vật nhọn. Bệnh này không đơn thuần chỉ là cảm giác sợ hãi mà nó còn làm cản trở việc học, làm việc và các hoạt động thường ngày đơn giản như nấu nướng, cắt tóc, hoặc cắt móng,… Đây là lý do vì sao hội chứng sợ vật nhọn cần phải được điều trị trong thời gian sớm nhất.

Phương pháp thường được áp dụng để điều trị hội chứng sợ vật nhọn bao gồm:

1. Tâm lý trị liệu

Liệu pháp tâm lý trị liệu là phương pháp quan trọng nhất trong quá trình điều trị chứng sợ vật nhọn. Liệu pháp này thường được thực hiện bằng hình thức trao đổi, giao tiếp nhằm tác động đến tâm lý của bệnh nhân. Tâm lý trị liệu sẽ giúp thay đổi suy nghĩ, cảm xúc và nhận thức của bệnh nhân. Qua đó sẽ kiểm soát tốt các cảm xúc mang tính tiêu cực từ đấy sẽ bình thường hóa cuộc sống.

Liệu pháp trị liệu tâm lý sẽ thực hiện chữa bệnh bằng cách cho bệnh nhân tiếp xúc với nỗi sợ theo mức độ từ thấp đến cao và tăng dần. Ban đầu, người bệnh sẽ được quan sát hình ảnh của các vật sắc nhọn, dần dần sẽ được nhìn các vật nhọn từ xa và cuối cùng bệnh nhân sẽ được chạm vào các vật sắc nhọn. Quá trình này sẽ được thực hiện trong một khoảng thời gian dài để bệnh nhân có thể từ từ thích nghi và giảm dần nỗi sợ hãi và ám ảnh vô lý của bản thân.

Chuyên gia sẽ giúp người bệnh hình thành những góc nhìn đúng đắn, khách quan, tích cực hơn về các vật sắc nhọn. Khi người bệnh nhận thức được lợi ích của những vật nhọn và biết rằng những vật này không gây ra nguy hiểm, bệnh nhân sẽ giảm bớt phần nào cảm giác sợ hãi, hay lo lắng, bất an và từ đó cải thiện các hành vi né tránh.

Tâm lý trị liệu là liệu pháp mang lại hiệu quả rõ rệt khi điều trị chứng sợ vật sắc nhọn. Tuy nhiên, những cải thiện chỉ được thấy được rõ khi kiên trì trị liệu theo hướng dẫn của các chuyên gia. Ngoài việc kiểm soát sự ám ảnh và nỗi sợ, trị liệu tâm lý còn cung cấp cho bệnh nhân những kỹ năng, cũng như kinh nghiệm để đối phó với các tình huống không thuận lợi trong xã hội, cuộc sống.

2. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc không phải là phương pháp thường được sử dụng trong điều trị chứng sợ vật nhọn. Dù vậy, thuốc vẫn có thể được sử dụng để giảm bớt sự lo lắng, sợ hãi, hoặc căng thẳng,… từ đó nâng đỡ tinh thần trong quá trình trị liệu bằng phương pháp tâm lý.

Các loại thuốc thường được sử dụng:

  • Thuốc an thần benzodiazepine
  • Thuốc chẹn beta

Sử dụng thuốc trong quá trình điều trị chứng sợ vật nhọn chỉ có vai trò hỗ trợ. Do đó, bệnh nhân buộc phải dùng can thiệp trị liệu tâm lý và chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của các chuyên gia, bác sĩ.

3. Các biện pháp chăm sóc

Ngoài những ảnh hưởng về mặt tâm lý, hội chứng sợ vật nhọn cũng gây ra không ít vấn đề về sức khỏe thể chất. Vì lý do này, bản thân người bệnh cần phải chủ động chăm sóc sức khỏe để có thể nâng cao thể trạng và học cách kiểm soát nỗi sợ.

Chứng sợ vật nhọn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sau:

  • Cần đảm bảo hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc. Chất lượng giấc ngủ có liên hệ mật thiết với mức độ lo âu, sợ hãi, căng thẳng. Ngủ đủ giấc có thể làm giảm bớt sự lo lắng, nỗi bất an, buồn phiền và cũng như căng thẳng do chứng sợ vật nhọn gây ra.
  • Nên tập thể dục thể thao thường xuyên để có thể giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, thói quen thể dục thể thao điều độ còn mang đến nhiều lợi ích như cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm đau nhức đầu,…
  • Có thể dành từ 15 – 30 phút để ngồi thiền, thư giãn và tập hít thở sâu.
  • Trao đổi, trò chuyện với gia đình, bạn bè về tình trạng sức khỏe của bản thân để có thể được hỗ trợ.
  • Nên tham gia vào các hội nhóm mắc chứng Aichmophobia để được mọi người chia sẻ, kết bạn và học hỏi thêm những kinh nghiệm trong việc quản lý bệnh.
  • Chú ý các biểu hiện bất thường trong quá trình điều trị và chủ động thông báo với bác sĩ trong những trường hợp cần thiết.

Hội chứng sợ vật sắc nhọn (hay Aichmophobia) có ảnh hưởng đến nhiều hoạt động từ trong sinh hoạt, đến học tập và làm việc,… Do đó, nếu nghi ngờ bị mắc hội chứng sợ vật nhọn, cần thăm khám sớm để có thể được chẩn đoán và tư vấn điều trị kịp thời.

Tư vấn sản phẩm
Quý khách vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ ngay!
Call Zalo Messenger
DMCA.com Protection Status DMCA.com Protection Status