Loading...
Góc tư vấn

Xét nghiệm y học cần học trong bao nhiêu năm?

Y học cận lâm sàng đang ngày càng phát triển song hành cùng y học lâm sàng giúp chẩn đoán và điều trị bệnh. Trong đó không thể không kể đến xét nghiệm y học, một trong những ngày đang có những bước phát triển lớn của nền y học hiện đại.

Vậy học xét nghiệm y học cần thời gian bao lâu? Đào tạo ở đâu? Có lẽ đang là thắc mắc của rất nhiều phụ huynh và học sinh có mong muốn theo đuổi ngành nghề này. Cùng bài viết này giải đáp những thắc mắc đó nhé.

Xét nghiệm y học là gì?

Trước khi muốn theo đuổi ngành xét nghiệm y học thì các bạn phải hiểu rõ thế nào là xét nghiệm y học?

Xét nghiệm Y học hay còn có tên gọi là Xét nghiệm Y khoa. Đây là ngành học ứng dụng các thiết bị máy móc nhằm kiểm tra, phân tích và đánh giá các mẫu bệnh phẩm như mẫu máu, mẫu dịch tỵ hầu, mẫu nước tiểu,…. Qua đó nhanh chóng cho kết quả chính xác giúp bác sĩ đưa ra những chẩn đoán và phương án điều trị bệnh phù hợp cho từng bệnh nhân.

 Xét nghiệm y học là gì?

Trong đó các xét nghiệm y khoa có kể kể đến như:

  • Xét nghiệm máu: Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, Hoá Sinh máu, Đông máu,…
  • Xét nghiệm nước tiểu: Tổng phân tích nước tiểu,…
  • Xét nghiệm các mẫu bệnh đường hô hấp: dịch tỵ hầu, dịch mũi, đờm,…
  • Xét nghiệm phân: kiểm tra phân có hồng cầu, bạch cầu, vi khuẩn lạ,…
  • Xét nghiệm dịch âm đạo: kiểm tra có bạch cầu, vi khuẩn tìm nguyên nhân,…

Học xét nghiệm y học cần thời gian bao lâu.

Trong xét nghiệm y khoa, có 2 nghề liên quan đó là bác sĩ và kỹ thuật viên.

Bác sĩ xét nghiệm là người sẽ trực tiếp đọc kết quả xét nghiệm và đưa ra kết luận. Từ kết luận đó, bác sĩ lâm sàng sẽ đưa ra chẩn đoán và điều trị.

Kỹ thuật viên là người có nhiệm vụ nhận mẫu xét nghiệm, xử lý mẫu và tiến hành chạy máy xét nghiệm. Khi đã có kết quả xét nghiệm sẽ đưa cho bác sĩ xét nghiệm đọc kết quả.

Thời gian đào tạo xét nghiệm y học.

Ở các tuyến y tế trung ương hoặc một vài bệnh viện tỉnh, khoa xét nghiệm y học sẽ có đầy đủ bác sĩ xét nghiệm và kỹ thuật viên. Tuy nhiên ở đa số y tế tuyến tỉnh và huyện, khoa xét nghiệm chỉ có kỹ thuật viên còn bác sĩ lâm sáng sẽ là người đọc kết quả trả về và đưa ra kết luận.

Vì chức năng và nhiệm vụ khác nhau nên thời gian đào tạo cũng có sự khác biệt.

  • Bác sĩ xét nghiệm cần được đào tạo đại học đủ 6 năm đa khoa, sau đó học chuyên khoa 1 ngành xét nghiệm y học mới có chứng chỉ hành nghề. Tổng thời gian tối thiểu là 10 năm.
  • Kỹ thuật viên xét nghiệm đào tạo cao đẳng 3 năm hoặc đại học 4 năm là có thể làm việc.

Học xét nghiệm y học ở đâu?

Bác sĩ y học sẽ cần bằng đại học bác sĩ đa khoa sau đó học chuyên khoa 1 ngành xét nghiệm, được đào tạo ở tất cả các trường đại học y dược hoặc khoa y dược ở một vài trường đại học trên phạm vi toàn quốc.

Còn kỹ thuật viên xét nghiệm đào tạo ở một vài trường y dược có thể kể đến như: Đại học y Hà Nội, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Đại học y thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược Huế, Đại học Y Dược Cần Thơ.

Khả năng phát triển của ngành Xét nghiệm y học tại Việt Nam.

Hiện nay tại Việt Nam, ngành xét nghiệm Y học đang trên đà phát triển mạnh mẽ cùng với các ngành nghề khác. Số lượng bệnh viện công, bệnh viện tư nhân, phòng khám hay trung tâm xét nghiệm được xây dựng ngày càng nhiều. Kỹ thuật xét nghiệm đã đang và sẽ được áp dụng rộng rãi trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Chính vì thế, nhu cầu nguồn nhân lực của Ngành Xét nghiệm Y học là rất lớn.

Từ thực tế này, các chuyên gia đều nhận định rằng, việc nhanh chóng mở rộng quy mô đào tạo Ngành Xét nghiệm Y học là rất cần thiết để tăng số lượng. Bên cạnh việc tăng số lượng thì việc nâng cao chất lượng để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực Ngành Kỹ thuật Xét nghiệm cũng rất quan trọng.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, cần có khoảng 976.000 cán bộ y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Trong đó, số nhân lực cần đào tạo trong năm 2021 là 134.804 nhân viên. Hiện nay cả nước có 82 cơ sở đào tạo nhân lực Ngành Y tế, bao gồm cả hệ đại học và cao đẳng.

Điểm chuẩn Ngành Xét nghiệm Y học ở các trường đại học những năm gần đây đang có xu hướng tăng dần. Trung bình từ 15-17 điểm ở các trường top dưới và 19-24 điểm ở những trường top trên. Với những thí sinh có lực học khá-giỏi thì đây là một việc không quá khó khăn nhưng đối với học sinh có học lực trung bình thì là một thử thách khá khó khăn.

Mặc dù vậy, đại học không phải con đường duy nhất để có thể trở thành một kỹ thuật viên của Ngành Xét nghiệm Y học. Học sinh mong muốn theo đuổi Xét nghiệm Y học có thể theo học hệ cao đẳng. Chất lượng đào tạo Ngành Xét nghiệm Y học ở cao đẳng được đánh giá không thua kém với hệ đại học. Hơn nữa, điểm chuẩn của hệ cao đẳng thấp hơn khá nhiều và việc xét tuyển dựa vào bằng tốt nghiệp THPT sẽ giúp thí sinh dễ dàng hơn.

Sau 3 năm học cao đẳng, sinh viên sẽ được cấp bằng Cao đẳng Kỹ thuật Xét nghiệm Y học hệ chính quy. Với tấm bằng này trên tay sinh viên có thể tự tin xin việc ở các bệnh viện, Trung tâm Y tế hay các phòng khám đa khoa,…trên phạm vi toàn quốc.

Bài viết trên đã nêu lên khái niệm của ngành xét nghiệm y học cũng như thời gian và những trường đào tạo trên lãnh thổ nước Việt Nam. Hi vọng qua bài viết, phụ huynh và học sinh đang muốn tìm hiểu ngành xét nghiệm y học này sẽ có cái nhìn tổng quát, bổ sung được thêm những hiểu biết về công việc cũng như khả năng phát triển từ đó mong muốn gắn bó với chuyên ngành này.

Tư vấn sản phẩm
Quý khách vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ ngay!
Call Zalo Messenger
DMCA.com Protection Status DMCA.com Protection Status